Từ hiện tượng bạo lực trong xã hội, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn chia sẻ những nhìn nhận sâu xa hơn về dân tộc tính.
Chia sẻ với ông, trong các vấn đề xã hội gây bức xúc, dư luận cũng quan tâm và lên tiếng mạnh mẽ đấy, nhưng rồi hầu như “chẳng làm thêm được gì”. Có người cho rằng, xã hội đã nhờn thuốc với những lời cảnh báo, hô hào…
Vấn đề không phải nhờn thuốc, mà là chưa tìm được thuốc hiệu nghiệm.
Còn làm sao để tìm ra thuốc hiệu nghiệm? Tôi cho rằng trước khi đặt vấn đề phải giáo dục nhau thế này, phải lên án nhau thế kia… ta phải nghiên cứu hiện tượng ở bề sâu và bề rộng của nó, từ đó nhận thức cho được thực chất của hiện tượng. Phải xác định không thể nóng vội và xử lý được ngay mà cần thời gian, cần đặt vấn đề chữa trị lâu dài.
Một đặc tính của dân mình là sống hời hợt, thường phản ứng vội, theo phong trào, ra quyết tâm nhưng ít đi tới cùng. Quan niệm ăn sâu “nói thì dễ, làm mới khó”, trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta vẫn đề cao hành động hơn suy nghĩ, không có sự nghiền ngẫm sống…
Thiếu sự tư duy, vì không chịu phân tích và suy xét kỹ nên trong các vấn đề, chúng ta không hiểu biết một cách thấu suốt, thực chất… khi ấy, hành động chưa thể hiệu quả.
- Ý ông là, trong những vấn đề xã hội như thế, chưa nên vội dùng các loại thuốc kháng sinh như các biện pháp xứ lý, trừng phạt… mà là tìm thuốc bổ cho cơ thể?
Phải dùng cả thuốc bổ lẫn thuốc kháng sinh. Điều đầu tiên là phải tự tìm hiểu chính mình, vấn đề quan trọng nhất là tự nhận thức. Chỗ này liên quan đến quan niệm sâu xa của mỗi người về kiếp nhân sinh.
Tôi hay đọc lại Khổng Tử, và may mắn là tìm ra được một ông Khổng Tử có liên quan đến chuyện chúng ta đang bàn. Khổng Tử của tôi trước tiên là một nhà nhân học vĩ đại, với nghĩa ông rất hiểu về tiềm năng hư hỏng của con người.
Trong khi Mạnh Tử đề ra thuyết tính thiện (Nhân chi sơ tính bản thiện) thì với Khổng Tử con người có cả thiện lẫn ác. Ông luôn đặt vấn đề con người phải vượt lên trên bản năng của mình, để tốt hơn, sống cho ra người hơn. Theo nghĩa này, Khổng Tử là một triết gia rất hiện đại.
Còn chúng ta hôm nay lại quan niệm về con người quá đơn giản. Trong cách giáo dục, chúng ta luôn tự hào là nhân dân ta sống rất nhân hậu. Tôi không cho là dối trá, nhưng chúng ta ảo tưởng rằng mình nhân hậu. Có nhiều cái chúng ta làm mà không nghĩ rằng đó là bạo lực.
Phải có nghiên cứu Xã hội học bạo lực
- Bây giờ, với trường hợp bạo lực xã hội, đặt vấn đề chữa trị lâu dài, theo ông, phải bắt đầu từ đâu?
Phải đưa các hiện tượng mà ta gọi là tiêu cực hiện nay thành một vấn đề cần nghiên cứu nghiêm túc.
Nhiều người nước ngoài nhận xét, thanh niên ta hiện nay khá về khoa học tự nhiên hơn khoa học xã hội. Các kiến thức có tính nhân văn ở các em rất đơn giản. Vì chính người lớn chúng ta cũng có chịu tìm hiểu chính mình đâu, lại càng không chịu tìm hiểu về xã hội mình đang sống.
Ví dụ ở các nước, trong hoàn cảnh như ta, chắc chắn người ta phải có những công trình nghiên cứu tầm cỡ về tâm lý thời hậu chiến trong đó có Xã hội học bạo lực… Với thanh thiếu niên, phải có những chuyên đề đi sâu vào bạo lực học đường.
Ở ta chẳng ai chịu chi tiền cho cán bộ khoa học làm. Bất đắc dĩ phải làm thì chỉ nhăm nhăm minh họa cho những ảo tưởng có sẵn. Những công trình nghiên cứu gọi đúng thực chất xã hội thì mang đút ngăn kéo, không cho phổ biến đến đông đảo công chúng. Thế sao gọi là nghiêm túc, là thực sự cầu thị?
- Đi cụ thể vào bạo lực học đường, nhiều ý kiến tranh luận giữa vai trò và trách nhiệm của nhà trường, gia đình, xã hội… Giáo dục có trách nhiệm như thế nào trong chặng thời gian “chữa trị lâu dài” ấy, thưa ông?
Trước đây, có sách Quốc văn giáo khoa thư (do nhóm nhà giáo đứng đầu là ông Trần Trọng Kim biên soạn), là sách được dạy chính thức trong các trường học trước năm 1945. Trong loạt bài nói về tính xấu của con người có hai bài đáng lưu ý..
Một bài tả cảnh một bé gái, chơi với mèo song lại giở thói ác, kéo đuôi mèo thật mạnh khiến nó quay lại cào cho một cái thật đau. Bài kia tả một em bé trai chơi với ai chỉ tìm cách hại người ta. Cậu ta từng lấy bút của bạn ngồi cạnh đâm cho quằn đi, lấy đó làm sung sướng.
Lối soạn sách như thế này chắc đã bị nhiều nhà giáo dục của ta phản đối. Nhưng tôi cho rằng cách làm của người xưa đúng hơn. Bên cạnh việc giáo dục lòng nhân từ, chúng ta phải đưa vào chương trình phổ thông những bài học như thế này, để ngăn đe, để chống cái tàn bạo bản năng của lớp trẻ..
Khi soạn sách, phải đưa những bài văn có tính chất nuông chiều, buông thả bạo lực ra khỏi nội dung. Nếu cần phải giảng dạy những ca dao tục ngữ truyện cười, truyện cổ tích… có cài chen yếu tố bạo lực như đã nói, không nên lảng tránh mà cần chỉ rõ đây là những di lụy của thời xưa, ngày nay ta biết để tránh.
Sở dĩ tôi có đề nghị như vậy vì thấy gần đây, sau những cảnh bạo lực trong học sinh, người ta chỉ nói tới vai trò của thầy giáo cô giáo. Phải luôn luôn quan tâm tới các em, phải biết ngăn chặn các em… Tất cả những cái đó là đúng nhưng chưa đủ.
Toàn ngành giáo dục phải vào cuộc với nghĩa cả những người định ra nội dung chương trình giảng dạy, cả những người soạn sách giáo khoa cũng phải có mặt.
Truyền thông cũng phải trở thành trường học
- Truyền thông và các hoạt động nghệ thuật có vị thế là có khả năng ảnh hưởng tương đối. Theo ông, thì vai trò của họ trong vấn đề này, như thế nào?
Truyền thông hiện nay cũng phải trở thành một thứ trường học. Cần lôi cuốn các nhà nghiên cứu cơ bản tham gia phát biểu về các vấn đề thời sự. Rộng hơn từng hiện tượng lẻ, cần khai thác các ngành xã hội học trong việc tìm hiểu con người Việt xã hội Việt. Vấn đề không phải nói cái tốt hay cái xấu, mà là nói thực chất. Nói đúng thực chất thì tự nhiên có người nghe.
Với tư cách một người phê bình văn học, điều cuối cùng tôi muốn nói là trước tình trạng đạo đức xã hội như hiện nay, những người làm công việc văn chương tinh thần cũng nên tự vấn lương tâm của mình, nên nghĩ rằng mình phải có trách nhiệm. Vì làm giáo dục một cách mòn sáo thất bại, nghệ thuật đang nghiêng về phía giải trí “mua vui” cho thiên hạ, tuy như ta thấy, chiều nịnh công chúng rút cục là làm hại công chúng.
Theo Minh Phương/VnMedia
Post A Comment:
0 comments: