Thay vì nói về các nguyên lý mang tầm vĩ mô liên quan đến tài chính công, ngân hàng, tiền tệ, hay thị trường tài chính, hôm nay, tôi muốn tiếp tục viết series về Thương Mại Quốc Tế. Bài viết này sẽ không mang nặng tính học thuật như nhiều bài viết trước - muốn hiểu bạn cần có kiến thức khá tốt về kinh tế học cơ bản, mà bạn chỉ cần có một chút kiến thức về Luật Thương Mại Quốc Tế - bởi tôi sẽ đề cập đến vấn đề pháp lý khi ngân hàng xử lý L/C của bạn để chấp nhận thanh toán L/C cho bạn hay không? Một chút hiểu biết về các phương thức giao nhận trong Ngoại Thương nữa và chúng ta có thể bắt đầu cuộc chơi.
Không phải quá tự hào về trường đại học mà tôi đang theo học nhưng tôi đồng ý với quan điểm của một số giảng viên rằng chỉ có ở Ngoại Thương- FTU, bạn mới được giảng kỹ về 2 thứ: Phương Thức Thanh Toán Quốc Tế và Vận Đơn Đường Biển- B/L (Bill of lading- Tôi sẽ viết về vận đơn trong bài viết về Vận tải và giao nhận trong ngoại thương vào một ngày đẹp trời nào đó) (vận tải bằng đường biển là phương thức chủ yếu trong mua bán hàng hóa quốc tế bên cạnh đường bộ, đường sắt và đường hàng không). Tất nhiên, vẫn còn rất nhiều điều thú vị khác khi bạn được học những môn mang tính nghiệp vụ rất cao do các giảng viên đầy kinh nghiệm ở các khoa Kinh tế giảng dạy. Tôi rất thích khoa đó và thực sự kính phục hiểu biết của họ cũng như tính hài hước của họ. Môn luật kinh doanh cũng khá thú vị. Sau đây là những kiến thức cốt lõi về phương thức thanh toán quốc tế:
1. Hình thức
Thực ra thanh toán quốc tế không nhất thiết phải bằng phương thức L/C. Có rất nhiều hình thức thanh toán quốc tế tùy thuộc vào cách thức và hoàn cảnh của vụ mua bán đó. Ví dụ, nếu khoảng cách không quá xa và số tiền không quá lớn bạn có thể thanh toán bằng tiền mặt, séc hoặc chuyển tiền. Tuy nhiên, rủi ro sẽ là tương đối lớn nếu bạn không hiểu tí tẹo gì về pháp luật và thực tế rằng việc bạn đã hoàn thành nghĩa vụ thanh toán luôn phải được xác nhận của một bên thứ 3 để đảm bảo quyền cho bạn sau này như ngân hàng - chú ý rằng trong các định chế tài chính thì chỉ có ngân hàng mới được phép thực hiện chức năng thanh toán hợp pháp cho công ty bạn. Tuy nhiên, trong mua bán hàng hoá quốc tế, bạn nên chú ý một số điều sau đây: khoảng cách giữa các cá nhân xa, hệ thống pháp luật không đồng nhất, khó giải quyết các tranh chấp kể các bên có thống nhất trong hợp đồng về phương thức giải quyết tranh chấp đi chăng nữa thì rất khó để cưỡng chế cá nhân nước ngoài phải thanh toán hay bồi thường cho bạn trừ khi họ muốn vậy. Chính vì thế, để đảm bảo bạn được thanh toán khi giao hàng thì bạn nên nhờ đến một bên thứ 3 có uy tín giữa hai có thể cưỡng chế đối tác bằng cách phong tỏa tài khoản và chuyển một vấn đề quốc tế thành vấn đề luật pháp có thể giải quyết trong nội bộ nhờ sức mạnh của thế giới tài chính: Ngân hàng. Với sự giúp đỡ của ngân hàng, bạn có thêm một số lựa chọn an toàn hơn (không có hình thức thanh toán nào là tuyệt đối an toàn. Vẫn tồn tại rủi ro bạn sẽ không nhận được một xu nào. Đối tác của bạn có thể quỵt tiền một cách trắng trợn đầy hợp pháp. Tôi sẽ viết về điều này khi nói về các điều luật): nhờ thu kèm chứng từ hoặc nhờ thu không kèm chứng từ, hoặc phương thức thanh toán bằng L/C. L/C có lẽ là phương thức thanh toán phổ biến nhất trong giao dịch thương mại quốc tế từ trước đến nay và không phải ngẫu nhiên các chuyên gia về luật vẫn hay khuyên bạn dùng phương thức này nhưng vẫn cần phải cẩn thận với nó.
Lưu ý: Có một sai lầm tai hại rằng người ta thường tuyệt đối hóa vấn đề. Ai bảo với bạn rằng L/C chỉ dùng khi buôn bán hàng hóa quốc tế. Để đảm bảo an toàn với những thương vụ lớn và tránh nợ xấu, ngay cả mua bán hàng hóa trong nước, bạn cũng nên tiến hành thanh toán bằng L/C bởi đây là phương thức ràng buộc pháp lý khá mạnh giữa các pháp nhân cho nên công ty bạn có thể giảm thiểu rủi ro về việc thằng đối tác của bạn không trả tiền. Còn quy trình thanh toán L/C và khía cạnh pháp lý sẽ được tôi trình bày sau đây.
2. Quy trình thanh toán bằng L/C: Nếu có thời gian ngồi vẽ sơ đồ thanh toán bằng L/C thì sẽ dễ dàng hơn cho các bạn khi theo dõi một quy trình thanh toán khép kín có mặt của 4 bên: A, đại diện ngân hàng cho A, B và đại diện ngân hàng cho B trong thanh toán. Tuy nhiên, để nhanh chóng, cho phép tôi trình bày ngắn gọn. Tôi sẽ chú thích các lưu ý luôn trong từng mục thay vì việc viết tách phân lưu ý ra như phong cách trước đây.
2.1. Hai pháp nhân ký kết hợp đồng thương mại quốc tế và thống nhất phương án thanh toán bằng L/C. Hãy nhớ rằng mọi thứ trong hợp đồng phải càng rõ ràng càng tốt. Tranh chấp xảy ra chủ yếu không phải là do các bên cố tình lừa đảo nhau mà là do các bên không hiểu nhau. Mục đích về kinh tế có thể khiến đối tác lâu năm trở mặt thành thù chứ chưa nói đến việc mua bán hàng hóa quốc tế vốn có tính chất khá phức tạp. Hãy tuân thủ đúng hợp đồng.
2.2. Bên mua làm thủ tục yêu cầu ngân hàng mở L/C cho người thụ hưởng là bên bán. Lát tôi sẽ viết về những lưu ý về mặt pháp lý.
2.3. Ngân hàng đại diện cho bên mua (A) mở L/C theo đúng yêu cầu của người mua (B) và chuyển L/C sang ngân hàng thông báo (ngân hàng đại diện cho bên mua) để báo cho người bán biết về việc thư tín dụng đã được mở. Bạn nên xác nhận thằng đối tác của mình đã nhận được thông báo hay chưa bởi vì rất có thể hắn sẽ nói sau này nếu tranh chấp là nó chưa nhận được thông báo mở L/C của bạn. Và trong trường hợp ngược lại bạn cũng nên làm tương tự để đảm bảo giá trị pháp lý cho hợp đồng của bạn.
2.4. Ngân hàng đại diện cho bên bán thông báo và chuyển bản gốc L/C cho người bán. Nhớ kiểm tra L/C thật cẩn thận.
2.5. Người bán xem xét L/C so với hợp đồng để đề nghị sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh hoặc chấp nhận giao hàng. Nên quy định mọi thứ rõ ràng ngay từ đầu và bạn nên áp dụng một chút lý thuyết trò chơi để lường trước tất cả các trường hợp dù là nhỏ nhất có thể xảy ra. Tránh thay đổi sau này bởi sẽ rất bất lợi cho bạn trong đàm phán sau này, giá trị pháp lý không cao như bản gốc. Hãy tập thói quen làm việc chặt chẽ, tránh kiểu làm ăn: “Tin tưởng nhau là chính”. Hãy tiến hành mọi biện pháp để bảo vệ an toàn cho bạn nếu có thể. Tốn thời gian một chút nhưng bạn xây dựng được uy tín, lòng tin ở đối tác cũng như tránh được một mớ các rủi ro
2.6. Người bán lập bộ chứng từ thanh toán sau khi giao hàng và gửi đến ngân hàng thông báo để được thanh toán.
2.7. Ngân hàng thông báo chuyển bộ chứng từ cho ngân hàng mở L/C.
2.8. Ngân hàng mở L/C tiến hành kiểm tra bộ chứng từ. Nếu chứng từ phù hợp với L/C thì tiến hành thanh toán cho ngân hàng thông báo. Nếu chứng từ không phù hợp với L/C thì từ chối thanh toán và trả lại bộ chứng từ.
2.9. Ngân hàng thông báo L/C ghi có và báo có cho người bán.
2.10. Ngân hàng mở L/C trích tài khoản và báo nợ cho người mua.
2.11. Người mua xem xét chấp nhận trả tiền cho ngân hàng mở L/C.
2.12. Ngân hàng mở L/C trao bộ chứng từ cho người mua để nhận hàng.
3. Khía cạnh pháp lý: Làm sao để đảm bảo ngân hàng thanh toán cho bạn? Khi ngân hàng từ chối thanh toán thì phải xử lý thế nào?
Có hai điều khi bạn tiến hành thanh toán bằng L/C. Điều số 1: Ngân hàng không làm việc dựa trên hợp đồng của các bạn, ngân hàng chỉ làm việc dựa trên L/C. Điều số 2 là đừng quên điều số 1. Thằng đối tác là thằng mở L/C (giáp lưng) và nó có quy định về các giấy tờ cần thiết trong bộ chứng từ cần thiết để mang đến ngân hàng và đòi thanh toán. Và các giấy tờ mà thằng đối tác nó yêu đề cập khi mở L/C ở ngân hàng đại diện cho nó có thể có một số giấy tờ hoàn toàn khác so với những gì đã quy định trong hợp đồng. Chính vì thế, khi nhận được thông báo từ ngân hàng đại diện cho bạn, hãy kiểm tra thật kỹ danh sách các chứng từ mà bạn cần thu thập xem nó có trùng khớp nhau không? Nếu không trùng khớp thì bạn nên thông báo với thằng đối tác của bạn để sửa lại L/C cho phù hợp với hợp đồng. Bởi nếu bạn thu thập chứng từ chỉ dựa trên hợp đồng thì ngân hàng sẽ từ chối thanh toán. Sẽ rất phiền phức đầy vì thằng đối tác nó lấy hàng rồi, còn tiền thì bạn không nhận được xu nào. Đối chiến theo hợp đồng trong điều khoản thanh toán thì bạn có thể đã vi phạm hợp đồng và đừng mong nhận được xu nào trừ khi đối tác của bạn là kẻ tử tế như Đường Tăng chẳng hạn.
Một chú ý khác cũng không cần đòi hỏi quá nhiều thời gian của bạn là bạn cần phải so sánh thời gian L/C hết hạn và thời gian bạn thu thập các chứng từ. Một số chứng từ có thể quy định như: biên bản nhận hàng. Bạn cần phải hiểu ý nghĩa của các con số ở chỗ này. Điều này đòi hỏi bạn không chỉ có ngồi trong thư viện mà biết hết được mà cần một chút kinh nghiệm ở đây. Đối tác của bạn có thể mở L/C có thời hạn 30 ngày kể từ lúc bạn giao hàng và ngân hàng chỉ chấp nhận thanh toán trong khoảng thời gian đó. Lời khuyên là nên yêu cầu đối tác của bạn mở L/C trong thời hạn khoảng 90 ngày vì rất nhiều lý do. Ví dụ: bạn cần thu thập giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Một số nước như Philipines thì bạn có thể mua được giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa này nhưng ở một số quốc gia khác thì không dễ thế và cần đến 60 ngày để có được giấy chứng nhận đó. Hay biên bản hàng rời, biên bản hàng nguyên, giấy kiểm dịch độngt thực vật vân vân và vân vân. Rất có thể 30 ngày là không đủ cho nên bạn cần xem xét L/C để xem bạn có thể thu nhập các giấy chứng nhận cần thiết trong khoảng thời gian L/C không và yêu cầu thằng đối tác mở L/C thay đổi cho phù hợp. Hoặc yêu cầu kéo dài thời gian L/C có hiệu lực trong khoảng 90 ngày. Đây là một điểm rất quan trọng mà chẳng mấy công ty của Việt Nam chú ý cả trong khi bọn nước ngoài quá quen với việc làm ăn chặt chẽ rồi nên rất ít mắc lỗi. Đó là những khía cạnh liên quan đến pháp lý trong thương mại quốc tế.
Bạn bị ngân hàng từ chối thanh toán do bộ chứng từ không phù hợp và thời hạn của L/C sắp hết thì xử lý thế nào? Bạn có thể liên hệ với thằng đối tác để bảo lãnh cho bạn. Ngân hàng lúc này sẽ chấp nhận thanh toán. Hoặc cách khác là bạn có thể xin ngân hàng đại diện cho bạn viết đơn bảo lãnh cho bạn. Cách xử lý cuối tuy hơi kém hiệu quả nhưng nếu công ty bạn đang cần nguồn tiền gấp thì cũng có thể áp dụng: gọi trực tiếp đến ngân hàng thằng đối tác và cam kết hàng đã được giao để ngân hàng thanh toán L/C cho bạn.
Tài liệu tham khảo: Thanh Toán Quốc Tế, Giao Nhận và Vận tải trong Ngoại Thương, Pháp Luật Kinh Doanh Quốc Tế, UCP 600.
Post A Comment:
0 comments: